Thứ hai , 11-03-2024

Giải đáp một số câu hỏi mà thí sinh quan tâm đến tuyển sinh và đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng của Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp

Hỏi: Thầy cô cho em hỏi, ngành Tài chính Ngân hàng trường mình có những chuyên ngành gì?

Trả lời: Chào em! Hiện tại Khoa Tài chính Ngân hàng đang đào tạo 3 chuyên ngành: Tài chính doanh nghiệp, Ngân hàng và Tài chính quốc tế.

Hỏi: Thầy cô cho em hỏi, học chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp sinh viên ra trường có thể làm việc ở đâu?

Trả lời: Chào em! Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp ra trường có thể làm việc tại:

-  Các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc các Bộ, Ban, Ngành;

- Khu vực các doanh nghiệp sản xuất;

- Các doanh nghiệp, các ngân hàng đảm nhận các công việc như: Chuyên viên tư vấn, chuyên viên tư vấn TCDN, chuyên viên môi giới chứng khoán , chuyên viên tư vấn mua bán sát nhập DN, chuyên viên thẩm định tài chính dự án đầu tư hoặc cho vay vốn; chuyên viên định giá tài sản; quản trị rủi ro tài chính, chuyên viên tư vấn thuế;...

- Làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại các trường đại học, cao đẳng; làm nghiên cứu viên tại các cơ quan nghiên cứu khoa học, các Viện nghiên cứu về lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng nói chung và tài chính doanh nghiệp nói riêng.

Hỏi: Thầy cô cho em hỏi, học chuyên ngành Ngân hàng sinh viên ra trường có thể làm việc ở đâu?

Trả lời: Chào em! Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Ngân hàng ra trường có thể làm việc tại:

- Các doanh nghiệp với vị trí: chuyên viên tín dụng, quản lý dự án; chuyên viên viên nghiệp vụ tài chính; Trợ lý giám đốc tài chính; Trưởng nhóm phân tích tài chính; Chuyên viên thẩm định giá; Nhân viên kiểm toán …

- Các ngân hàng thương mại, Các định chế tài chính phi ngân hàng với các vị trí việc làm như: Chuyên viên dịch vụ tài chính; Chuyên viên môi giới chứng khoán; Chuyên viên tư vấn tài chính doanh nghiệp; Chuyên viên phân tích đầu tư, chuyên viên tín dụng, thanh toán quốc tế, thẩm định tín dụng, quản trị rủi ro...

- Các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc các Bộ, Ban, Ngành về tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán (Sở tài chính, Kho bạc nhà nước, Chi cục thuế…)

- Làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại các trường đại học, cao đẳng; làm nghiên cứu viên tại các cơ quan nghiên cứu khoa học, các Viện nghiên cứu về lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng nói chung và ngân hàng nói riêng.

Hỏi: Thầy cô cho em hỏi, học chuyên ngành Tài chính quốc tế sinh viên ra trường có thể làm việc ở đâu?

Trả lời: Chào em! Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính quốc tế ra trường có thể làm việc tại:

- Vị trí nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu; Nhân viên xuất nhập khẩu và thanh toán quốc tế; Chuyên gia hoạch định tài chính quốc tế; Chuyên gia nghiên cứu thị trường; Chuyên gia marketing quốc tế; Chuyên gia quản trị chuỗi cung ứng; Chuyên gia tư vấn đầu tư quốc tế; Chuyên gia xúc tiến thương mại; Nhà tư vấn quản trị kinh doanh quốc tế;

- Làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại các trường đại học, cao đẳng; làm nghiên cứu viên tại các cơ quan nghiên cứu khoa học, các Viện nghiên cứu về lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng nói chung và tài chính quốc tế nói riêng.

- Có khả năng làm việc tại các Cục thuế, Tổng cục thuế, Cục Hải quan, Tổng cục Hải quan, Cục Tài chính doanh nghiệp, các Sở Tài chính về các vấn đề liên quan đến hợp tác thuế quốc tế; quản lý tài chính, quản lý thuế với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và có yếu tố nước ngoài.

Hỏi: Thầy cô cho em hỏi, ngành Tài chính Ngân hàng cumg cấp cho sinh viên những kiến thức gì?

Trả lời: Chào em! Chương trình đào tạo cho sinh viên có kiến thức toàn diện về ngành Tài chính, Ngân hàng, Bảo hiểm, Chứng khoán và kiến thức thực hành để ứng dụng vào nhu cầu hiện tại của xã hội. Sinh viên tốt nghiệp có thể công tác ở các tổ chức là các doanh nghiệp, các cơ quan chính phủ, các tổ chức tài chính trung gian...

Chúc em thành công!

Hỏi: Thầy cô cho em hỏi, phạm vi đào tạo về kiến thức Tài chính - Ngân hàng sẽ giúp ích gì cho sinh viên khi ra trường?

Trả lời: Chào em! Với khối kiến thức tổng quát và nghiêng về ứng dụng thực tiễn, sinh viên sẽ được hiểu bao quát các kiến thức về tài chính doanh nghiệp, ngân hàng thương mại, thị trường tài chính… ứng dụng phân tích các dự án đầu tư, thẩm định dự án, hoạch định tài chính, đầu tư tài chính, quản trị rủi ro tài chính, đầu tư chứng khoán, tín dụng ngân hàng, thanh toán quốc tế... Với mảng kiến thức đó, sinh viên có thể làm việc ở bất kỳ tổ chức hay doanh nghiệp nào trong nền kinh tế.

Chúc em thành công!

Hỏi: Thầy cô cho em hỏi, để học ngành Tài chính - Ngân hàng thì đòi hỏi sinh viên phải có các yếu tố gì?

Trả lời: Chào em! Để học ngành Tài chính - Ngân hàng thì đòi hỏi sinh viên phải có 3 yếu tố là đam mê, sáng tạo và năng động. Trước hết, nếu không có đam mê thì sinh viên sẽ rất vất vả để tiếp thu khối kiến thức khổng lồ của ngành này. Tính sáng tạo là một yêu cầu thứ 2, trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nếu không có sáng tạo thì sinh viên chỉ có làm những việc đơn giản như thu ngân, kiểm kho, ngân quỹ... tính sáng tạo sẽ giúp nâng cao tầm sinh viên để có thể đảm nhiệm những vị trí quan trọng. Cuối cùng là tính năng động, sinh viên ngoài việc nắm vững kiến thức còn phải biết thêm về các kỹ năng mềm, khả năng thuyết trình, giới thiệu sản phẩm, thuyết phục khách hàng... tính năng động sẽ giúp sinh viên thành công trong ngành này.

Chúc em thành công!

Hỏi: Các thầy cô cho em hỏi là học Ngành Tài chính - Ngân hàng của Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp thì cơ hội việc làm sau này ra sao ạ?

Trả lời: Chào em! Như các bạn đã biết, chương trình đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng, bạn có thể lựa chọn các công việc phù hợp tại các lĩnh vực như Ngân hàng (kế toán ngân hàng, chuyên viên tín dụng, thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại, thẩm định tín dụng, quản trị rủi ro…, các tổ chức về Tài chính (công ty bảo hiểm, công ty tài chính, công ty chứng khoán, quỹ tín dụng…, vị trí chuyên viên tài chính, kế toán tại các Doanh nghiệp, cán bộ thuế, tài chính trong các cơ quan Nhà nước (Tổng cục thuế, Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước…),v.v..

Chúc em thành công!

Hỏi: Thầy cô cho em hỏi, thời gian học cụ thể của Chương trình đào tạo chính quy ngành TCNH là bao lâu ạ?

Trả lời: Chào em!

Toàn bộ chương trình đào tạo ngành Tài chính Ngân hàng gồm 148 tín chí. Tín chỉ được sử dụng để tính khối lượng học tập của sinh viên. Một tín chỉ được quy định bằng 15 tiết học lý thuyết đối với học phần lý thuyết; hoặc 30 giờ thực hành đối với học phần thực hành. Thời gian học tập khoảng 4 năm đối với đại học hệ chính quy.

Chúc em thành công!

Hỏi: Thầy cô cho em hỏi, ngoài thời gian học tập, chúng em có thể tham gia các hoạt động ngoại khóa không ạ?

Trả lời: Chào em! Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp nói chung và Khoa Tài chính ngân hàng nói riêng có rất nhiều các hoạt động ngoại khóa của sinh viên như: Câu lạc bộ Yêu Tài chính, Câu lạc bộ Kế toán trẻ, Câu lạc bộ Tiếng Anh, Câu lạc bộ tình nguyện, Câu lạc bộ Văn nghệ cùng rất nhiều các hoạt động khác như các cuộc thi đấu thể thao, thời trang, Miss Uneti…Bạn có thể đăng ký tham gia các Câu lạc bộ và các hoạt động phù hợp.

Chúc em thành công!

Hỏi: Thầy cô cho em hỏi, trường mình có nhiều cơ sở đào tạo cả Hà Nội và Nam Định, với ngành TCNH, chúng em sẽ học tại cơ sở nào?

Trả lời: Chào em! Các ngành học tại Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, sinh viên đều có thể đăng ký học tại Hà Nội hoặc Nam Định theo đúng nguyện vọng nếu đáp ứng đủ các yêu cầu về điểm trúng tuyển.

Chúc em thành công!

Hỏi: Thầy cô cho em hỏi, cơ sở vật chất phục vụ việc giảng dạy và học của ngành Tài chính Ngân hàng như thế nào ạ?

Trả lời: Chào em! Ngành Tài chính ngân hàng là một trong những ngành kinh tế quan trọng, để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp nói chung và Khoa Tài chính ngân hàng nói riêng luôn đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả giảng dạy và học tập. sinh viên theo học ngành Tài chính ngân hàng sẽ được tham gia các môn học thực hành để tiếp cận với công việc thực tế sau khi ra trường, lớp học được trang bị máy tính, màn hình chiếu, phòng thực hành máy với hàng trăm máy tính và đặc biệt có 5 phòng thực hành mô hình Ngân hàng ảo, Doanh nghiệp ảo nhằm giúp trang bị các kiến thức thực tiễn cho sinh viên. Các lớp học sẽ được trang bị phương tiện màn hình, đèn chiếu, Internet, máy lạnh... để tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên. Sinh viên sẽ có đủ thời gian tiếp thu tất cả các kiến thức của ngành và chuyên ngành, có đủ giờ tham gia học thực hành ở các phòng thực hành ngân hàng, doanh nghiệp ảo. Ngoài ra, nhà trường còn hỗ trợ cho sinh viên bằng thư viện điện tử trực tuyến để sinh viên có thể tham khảo tài liệu, làm bài tập về nhà, đọc thêm sách nhờ kho dữ liệu cực lớn với nhiều đầu sách hay trong nước và thế giới.

Chúc em thành công!

Hỏi: Các thầy cô cho em hỏi, đối với ngành Tài chính Ngân hàng, ngoài học tập trên lớp và các hoạt động ngoại khóa, SV chúng em có thể tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, hội thảo không?

Trả lời: Chào em!

Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp nói chung và Khoa Tài chính ngân hàng nói riêng luôn quan tâm chú trọng phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu của sinh viên. Sinh viên theo học ngành Tài chính ngân hàngluôn được khuyến khích tham gia các công trình nghiên cứu khoa học và các buổi hội thảo chuyên ngành. Sinh viên sẽ được các thầy cô nhiệt tình hướng dẫn, hỗ trợ trong suốt quá trình học tập, nghiên cứu tại trường.

Chúc em thành công!

Hỏi: Các thầy cô cho em hỏi, chất lượng đào tạo tại Khoa Tài chính ngân hàng của Nhà trường có khác biệt gì so với các trường khác?

Trả lời: Chào em! Với đội ngũ giảng viên đa số là thạc sĩ, tiến sĩ từ các trường đại học danh tiếng trong nước và nước ngoài... có thể nói chương trình đào tạo của khoa là một trong những thế mạnh giúp sinh viên có thể cạnh tranh với các sinh viên ở các trường đại học khác. Sinh viên ra trường có thể làm việc ngay mà không phải mất công đi học thêm các khóa kỹ năng khác vì đã được trang bị kiến thức bao quát, thực tiễn để làm việc.

Chúc em thành công!

Hỏi: Các thầy cô cho em hỏi, chương trình giảng dạy ngành Tài chính ngân hàng có sự khác biệt ra sao với các trường khác đào tạo cùng ngành?

Trả lời: Chào em! Với việc cập nhật kiến thức về lĩnh vực tài chính ngân hàng liên tục và thực tế vào bài giảng. Sinh viên sẽ có khả năng ứng dụng cao các lý thuyết vào cuộc sống và công việc. Cộng với việc Nhà trường cung cấp thêm các môn học về kỹ năng mềm như giao tiếp, anh văn, vi tính sẽ giúp sinh viên rèn luyện đủ khả năng và bản lĩnh khi ứng tuyển vào các tổ chức, các doanh nghiệp ở các vị trí về tài chính - kế toán hoặc có thể học tiếp lên thạc sỹ, nghiên cứu sinh.

Chúc em thành công!

Hỏi: Các thầy cô cho em hỏi, phương pháp giảng dạy ngành Tài chính ngân hàng có gì khác biệt so với chương trình hiện thời ở các trường khác?

Trả lời: Chào em! Với phương pháp giảng dạy tiên tiến, các môn học sẽ trụ trên 3 trụ cột chính: lý thuyết, bài tập và bài tập thực hành. Với lý thuyết, sinh viên sẽ được các thầy cô truyền đạt lý thuyết một cách chắc lọc và cô đọng nhất những kiến thức của môn và ngành học. Sau đó, phần bài tập sẽ được các thầy cô sẽ hướng dẫn cách ứng dụng lý thuyết. Cuối cùng, bài tập thực hành sẽ được nêu ra trên lớp để sinh viên có thể phát huy tính ứng dụng lý thuyết vào thực tế. Bài tập thực hành có thể ở dạng bài tập cá nhân hoặc nhóm, các nhóm sẽ có từ 3 đến 4 sinh viên và mỗi nhóm sẽ phải thuyết trình cách giải quyết vấn đề, lý do lựa chọn cách đó và giải thích cặn kẽ những vấn đề gặp phải khi ứng dụng cụ thể các cách giải quyết vấn đề.

Chúc em thành công!

Hỏi: Các thầy cô cho em hỏi, Nhà trường và Khoa Tài chính ngân hàng có hỗ trợ gì cho sinh viên khi trong việc học hay không?

Trả lời: Chào em! Với chương trình đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng, Nhà trường sẽ phân công các giáo viên làm cố vấn học tập cho sinh viên. Đầu mỗi học kỳ, nếu có thắc mắc hay khó khăn gì về việc học, sinh viên có thể liên hệ với các cố vấn học tập để được tư vấn và giúp đỡ đăng ký và lựa chọn môn học. Nhà trường có chính sách học bổng cho sinh viên có điểm cao tuyển sinh đầu vào và đạt kết quả tốt trong quá trình học tập.

Hàng năm nhà trường tổ chức ngày hội việc làm hỗ trợ sinh viên tiếp cận trực tiếp với các nhà tuyển dụng trong việc tìm kiếm cơ hội thực tập và các cơ hội việc làm cho sinh viên năm cuối.

Chúc em thành công!

Hỏi: Giữa em học ngành Tài chính Ngân hàng, chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp thì có thể đi làm tại ngân hàng thương mại được không?

Trả lời: Chào em! Cơ hội việc làm của người lao động phụ thuộc vào năng lực nghề nghiệp của mỗi người. Năng lực nghề nghiệp là sự tổng hợp của sức khỏe, tri thức, kiến thức (kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức xả hội), kỹ năng, kinh nghiệm, các mối quan hệ xã hội, thái độ công việc, giá trị sống của mỗi người. 

Ngành Tài chính ngân hàng tại Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp nhưng vẫn cung cấp đầy đủ nội dung kiến thức về Ngân hàng thương mại thông qua các môn chuyên ngành (Ngân hàng thương mại, thanh toán quốc tế, tín dụng ngân hàng, thẩm định tín dụng...). Em hoàn toàn có khả năng nộp hồ sơ xin việc tại bất cứ ngân hàng thương mại nào nhé.

Chúc em thành công!

Hỏi: Thưa thầy (cô), nếu được đỗ vào Khoa ngay từ thời sinh viên, chúng em nên đi làm thêm những công việc nào để nâng cao kĩ năng chuyên môn và có được một công việc tốt sau khi ra trường?

Trả lời: Chào em! Đối với sinh viên, việc đi làm thêm là một việc khá quan trọng. Ngoài việc có thêm một nguồn thu nhập, nó sẽ giúp các em có cơ hội được tiếp xúc với môi trường thực tế. Điều này cũng được các nhà tuyển dụng đánh giá cao, bởi những kinh nghiệm mà các em có được khi đi làm thêm.

Bất cứ ngành nào cũng sẽ đánh giá cao những người có kinh nghiệm, do đó hãy bắt đầu từ những công việc đơn giản để hiểu hơn và tích lũy dần kiến thức.

Tuy nhiên, các em cũng phải xác định rõ giữa việc làm thêm và việc học. Học là quan trọng, làm thêm là bổ trợ cho việc học. Đừng vì mải làm thêm mà quên đi nhiệm vụ chính của mình.

Chúc em thành công!

TS Phùng Thị Lan Hương - Trưởng Khoa Tài chính ngân hàng

Tin mới nhất

Tiện ích

CÁC NGÀNH TUYỂN SINH VÀ ĐÀO TẠO
TÊN NGÀNH THẠC SĨ ĐẠI HỌC CAO ĐẲNG
Công nghệ sợi, dệt 7540202 -
Công nghệ dệt, may 7540204 -
Công nghệ thực phẩm 8540101 7540101 -
Công nghệ thông tin 7480201 -
CNKT điều khiển và TĐH 7510303 -
CNKT điện, điện tử 7510301 -
CNKT điện tử - viễn thông 7510302 -
CNKT cơ khí 7510201 -
Kế toán 7340301 -
Quản trị kinh doanh 7340101 -
Tài chính - Ngân hàng 7340201 -
Kinh doanh thương mại 7340121 -
Mạng máy tính và TTDL 7480102 -
CNKT cơ điện tử 7510203 -
Ngôn ngữ Anh 7220201 -
CNKT Máy tính 7480108 -
QT dịch vụ du lịch và lữ hành 7810103 -
Ngành Công nghệ kỹ thuật Ô tô 7510205 -
Ngành Bảo hiểm 7340204 -
Khoa học dữ liệu 7460108 -