Thứ hai , 11-03-2024

Giải đáp các câu hỏi về ngành kỹ thuật Máy tính

Câu hỏi 1: IoT được nhắc đến nhiều trong vài năm gần đây, và em cũng đã tìm hiểu về IoT và thấy rất thú vị. Vậy ngành nào thì phù hợp với mong muốn nghiên cứu của em về IoT ạ?

Trả lời:

Chào em!

IoT (kết nối vạn vật) đang nổi lên là ngành công nghiệp có giá trị và kèm theo đó là nhu cầu về lao động có kỹ năng về IoT. Chúc mừng em đã tìm hiểu về công nghệ này và mong muốn được nghiên cứu chuyên sâu về nó. Lựa chọn ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính sẽ giúp em có nhiều cơ hội để phát triển những thiết bị điều khiển, những thiết bị thông minh, hệ thống điều khiển công nghiệp, các loại robot… được sử dụng cho mọi lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Vậy đây là lựa chọn rất phù hợp.

Chúc em may mắn.

Câu hỏi 2: Em muốn tìm hiểu chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo, nhưng em không rõ thời gian tới ngành này liệu có dễ bị thay thế, hay thoái trào như nhiều ngành nghề khác hiện nay không?

Trả lời:

Chào em!

Câu trả lời nằm ở chỗ khả năng của máy móc trong việc thay thế con người. Với những việc mà đối tượng tương tác trực tiếp là vật vô tri vô giác, và sự tương tác này dễ quy trình hóa thành các bước cụ thể - đơn giản thì việc máy móc thay thế con người là rất dễ dàng. Vì thế, những việc liên quan đến sản xuất, xây lắp, vận tải, nông lâm ngư nghiệp, sửa chữa máy móc... là những việc dễ rơi vào tay máy móc nhất.

Những việc mà đối tượng trực tiếp là con người, đặc biệt là những việc liên quan đến việc sáng tạo cao, hoặc cần phải nắm bắt tâm lý con người, là những việc khó bị thay thế hơn. Không phải chúng không thể thay thế, nhưng ít ra là trong ngắn hoặc trung hạn, sự thay thế này khó xảy ra.

Trí tuệ nhân tạo giúp máy tính có được những trí tuệ của con người như: biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, tiếng nói, biết học và tự thích nghi,…Vậy trí tuệ nhân tạo sẽ khó bị thay thế và thoái trào. Nếu em chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo sẽ có nhiều cơ hội để phát triển ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: trong vận tải, trong sản xuất, trong y tế, trong giáo dục, trong truyền thông, trong dịch vụ… Vậy lựa chọn học ngành Kỹ thuật máy tính rất phù hợp với mong muốn của em.

Chúc em may mắn.

Câu hỏi 3: Trí tuệ nhân tạo được nói đến nhiều trong vài năm gần đây và có nhiều sản phẩm rất hữu ích từ nó. Em muốn tìm hiểu và phát triển về lĩnh vực này thì ngành nào có thể đáp ứng được ạ ?

Trả lời:

Chào em!

Trí tuệ nhân tạo (AI) là khả năng của máy móc sử dụng các thuật toán để học từ dữ liệu, và sử dụng cái học được để đưa ra các quyết định giống như một người sẽ làm. Tuy nhiên, không giống như con người, các máy móc cài đặt AI không cần thở hoặc nghỉ ngơi và chúng có thể phân tích những khối thông tin đồ sộ cùng lúc. Với cùng một nhiệm vụ thực hiện, tỉ lệ sai sót của máy móc cũng thấp hơn đáng kể so với con người. Chính vì thế, ngày nay rất nhiều ngành, nghề tiếp cận công nghệ AI để hưởng lợi ích từ các cải tiến quan trọng và tăng hiệu suất lao động. Không nằm ngoài xu hướng, ngành Kỹ thuật máy tính thuộc khoa Điện tử tập trung chú trọng vào việc đào tạo chuyên sâu về công nghệ AI, đầu tư những trang thiết bị hiện đại nhất để sinh viên nắm bắt được những kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu nghiên cứu các hệ chuyên gia, tương tác người – máy và ứng dụng trong các môi trường như hệ đa phương tiện; xử lý hình ảnh, âm thanh; phân tích dữ liệu lớn. Vậy đây là lựa chọn rất phù hợp với mong muốn của em.

Chúc em may mắn.

Câu hỏi 4: Em đang phân vân có nên lựa chọn ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính hay không vì sợ ra trường khó xin việc. Thầy, Cô có thể tư vấn giúp em được không ạ?

Trả lời:

Chào em

Ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính là một ngành học đang được nhà nước ưu tiên phát triển đặc biệt cụ thể qua các chính sách, dự án nhà máy chế tạo chip đầu tiên của Việt Nam đang được triển khai rầm rộ. Theo những khảo sát gần đây thì ngành này đang là một ngành thiếu nhân lực nhất và đặc biệt sẽ thiếu trong vòng 10 năm nữa do các công ty trong ngành này đang chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam và mục tiêu đưa ngành này thành một trong các ngành chủ lực của kinh tế Việt Nam. Đa số các sinh viên tốt nghiệp đại học trong lĩnh vực Kỹ thuật máy tính đều tìm được việc làm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các công ty có hoạt động liên quan đến CNTT-TT, Điện tử - Viễn thông, các Đài phát thanh truyền hình, và các viện nghiên cứu có lĩnh vực nghiên cứu phù hợp với chuyên ngành đào tạo. 

Chúc em may mắn!

Câu hỏi 5: Học ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính ra trường em sẽ đi sửa máy tính đúng không ạ?

Trả lời:

Chào em!

Sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính em hoàn toàn có thể sửa chữa máy tính nếu em muốn, tuy nhiên đó chưa phải tất cả kỹ năng nghề nghiệp mà em được trang bị. Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính sẽ có cơ hội trở thành chuyên viên lập trình nhúng; chuyên viên phân tích, thiết kế, phát triển trong các dự án phát triển, thiết kế, chế tạo các thiết bị phần cứng; làm việc trong các công ty về phần cứng cũng như phần mềm máy tính; cán bộ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin ở các viện nghiên cứu, các trường Đại học, Cao đẳng, các công ty trong nước và nước ngoài... với mức lương hấp dẫn.

Chúc em may mắn!

Câu hỏi 6: Ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính chỉ chuyên đào tạo về những kiến thức và ứng dụng máy tính?

Trả lời:

Chào em!

Sinh viên theo học Công nghệ Kỹ thuật Máy tính không chỉ được cung cấp kiến thức cơ bản và chuyên sâu trong lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung và kỹ thuật máy tính nói riêng; mà còn được đào tạo kỹ năng phân tích - thiết kế - xây dựng hệ thống phần cứng lẫn phần mềm trong các lĩnh vực như thiết kế vi mạch, công nghệ robot, hệ thống nhúng, hệ thống điện – điện tử và điều khiển tự động; kỹ năng tham mưu - tư vấn với tư cách là một chuyên viên trong lĩnh vực công nghệ thông tin, khả năng làm việc nhóm hay độc lập nghiên cứu để học lên các trình độ cao hơn.

Chúc em may mắn!

Câu hỏi 7: Có phải ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính chỉ phù hợp với các bạn nam?

Trả lời:

Chào em!

Trong một xã hội bình đẳng giới và nữ giới đang vươn lên khẳng định vị thế của chính mình thì không có “vùng cấm” cho các bạn nữ, trong ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính cũng vậy. Đam mê cùng với quyết tâm học hỏi, nỗ lực không ngừng sẽ giúp bạn chinh phục được mọi khó khăn trong lĩnh vực này. Tiêu biểu cho nữ doanh nhân thành đạt bởi ngành này phải kể đến bà Jessica McKellar - Giám đốc kỹ thuật tại Dropbox và là nhân vật chủ chốt trên thế giới của Python, một ngôn ngữ lập trình phát triển web phổ biến hay bà Anna Patterson - Phó Giám đốc Kỹ thuật phụ trách nghiên cứu và trí tuệ máy móc tại Google.

Chúc em may mắn!

Câu hỏi 8: Em chào Thầy, Cô. Em nghe nói về nền công nghiệp 4.0 và 5.0 có liên quan đến ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính, vậy các nền công nghệp này cụ thể là gì ạ, tại sao lại liên quan đến ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính?

Trả lời:

Chào em!

Các nền công nghiệp từ trước đến nay đã thay đổi bộ mặt phát triển của khoa học công nghệ và bộ mặt của thế giới là:

Nền công nghiệp 1.0: Cơ khí hóa

Nền công nghiệp 2.0: Điện khí hóa

Nền công nghiệp 3.0: Tự động hóa

Nền công nghiệp 4.0: Tin học hóa

Nền công nghiệp 5.0: Trí tuệ nhân tạo

Ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính chú trọng và tập trung nhiều vào IoT (vạn vật kết nối Internet), Điều khiển tự động qua máy tính, Trí tuệ nhân tạo…. Những kiến thức và kỹ năng được đào tạo này để đáp ứng các đòi hỏi và yêu cầu của nền công nghiệp 4.0 cũng như đón xu thế của nền công nghiệp 5.0.

Chúc em may mắn!

Câu hỏi 9: Em chào thầy/cô, hiện tại em muốn lựa chọn ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính của trường để theo học, nhưng em có một băn khoan đó là: sau khi tốt nghiệp em muốn trở về quê để lập nghiệp, vậy với những kiến thức chuyên môn em được trang bị liệu có phù hợp với vùng quê nông thôn, phù hợp với các lĩnh vực trong nông nghiệp không ạ?

Trả lời:

Chào em!

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bao gồm sự đổi mới và kết hợp hữu cơ, không còn ranh giới giữa công nghệ của nền công nghiệp 4.0 với công nghệ vận hành, công nghệ vật lý và công nghệ sinh học. Như các ngành khác, cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra trong nông nghiệp. Nền nông nghiệp vận dụng thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0 được gọi là “Nông nghiệp 4.0”. 

Nông nghiệp 4.0 còn có thể được gọi là nông nghiệp thông minh hay nông nghiệp số. Đặc trưng cơ bản của nông nghiệp 4.0 là số hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh từ nông trại đến chế biến, marketing và tiêu dùng thông qua hệ thống kết nối internet vạn vật (IoTs), kết hợp các hệ thống điều hành và tác nghiệp tập trung, tự động hóa và thông minh giữa công nghệ vật lý, công nghệ sinh học và công nghệ điều hành đảm bảo cho quá trình sản xuất – kinh doanh diễn ra liên tục, hiệu quả và bền vững.

Trong khi đó, ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính được đánh giá là “lõi” gắn liền với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Vì vậy, lựa chọn ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính sẽ giúp em hoàn thành mơ ước của mình, đem những kiến thức mình học được để trở về phát triển quê hương!

Chúc em may mắn!

Câu hỏi 10: Nếu theo học ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính em sẽ được học những kiến thức gì?

Trả lời:

Chào em!

Ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính là ngành phối hợp giữa Điện tử và Công nghệ thông tin, vì vậy chương trình cung cấp cho sinh viên theo học ngành này các kiến thức như sau:

- Kiến thức cơ bản và chuyên sâu trong lĩnh vực Điện tử, công nghệ thông tin nói chung và kỹ thuật máy tính nói riêng.

- Đào tạo sinh viên có kỹ năng phân tích - thiết kế - xây dựng hệ thống phần cứng lẫn phần mềm trong các lĩnh vực:

+ Trí tuệ nhân tạo (AI)

+ Công nghệ thiết kế chip

+ Công nghệ Robot

+ Hệ thống nhúng

+ Hệ thống điện - điện tử

+ Hệ thống điều khiển tự động

- Cung cấp các kỹ năng lập trình trên máy tính, Smartphone, tablet, các hệ thống nhúng sử dụng các ngôn ngữ như: Assembly, C, C++, System C, Java, C#, Verilog/VHDL.

- Trang bị cho sinh viên kinh nghiệm làm việc thực tế từ những khóa thực tập tại các công ty, doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực máy tính, thiết kế vi mạch, hệ thống như: Intel, Renesas, Innova, eSilicon, Aricent, IBM, FPT, Viettel, Microsoft...

- Năng lực tham mưu - tư vấn với tư cách là một chuyên viên trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Khả năng làm việc nhóm hay độc lập nghiên cứu để học lên các trình độ cao hơn

Chúc em may mắn!

Câu hỏi 11: Nếu theo học ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính em cần có những tố chất gì?

Trả lời:

Chào em!

Nếu yêu thích công nghệ, luôn tìm hiểu và sử dụng các công nghệ mới nhất, thì xin chúc mừng, em đã có được 50% tố chất để thành công trong ngành này.

Tuy vậy, em cần phải cân nhắc xem bản thân có sở hữu 50% những tố chất còn lại để thành công trong nghề không nhé:

– Tư duy logic: Vì là ngành kỹ thuật nên đòi hỏi em phải có tư duy logic và khả năng toán học tốt.

– Khả năng làm việc với máy móc trong thời gian dài. 

– Ham học hỏi, luôn cập nhật kiến thức mới.

– Trình độ ngoại ngữ: Bởi vì hầu hết các dòng lệnh, các sách hướng dẫn, những tin tức công nghệ mới nhất đều được viết bằng tiếng Anh nên em phải có một vốn tiếng Anh nhất định.

Chúc em may mắn!

Câu hỏi 12: Cho em hỏi ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính xét tuyển những tổ hợp môn nào?

Trả lời:

Chào em!

Ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính của trường có hai phương thức tuyển sinh là xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia do các Sở Giáo dục Đào tạo chủ trì và dựa vào kết quả học bậc THPT.

Đối với trường hợp xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia ngành này có 04 tổ hợp môn xét truyển là A00, A01, D01, C01 và thí sinh phải đạt ngưỡng điểm tối thiểu do Bộ giáo dục và đào tạo quy định. Đối với trường hợp xét tuyển dựa vào kết quả học bậc THPT ngành này có 04 tổ hợp môn xét truyển là A00, A01, D01, C01 và điểm trung bình của 5 học kì (lớp 10, lớp 11 và học kì I lớp 12) của các môn theo tổ hợp, thí sinh thường phải đạt ngưỡng điểm xét tuyển ≥ 18.0 điểm.

Chúc em may mắn!

Câu hỏi 13: Ngoài việc học tập theo chương trình đào tạo, ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính tại Khoa Điện tử có các hoạt động ngoại khóa về chuyên môn để phát triển bản thân không?

Trả lời: 

Chào em!

Ngoài việc học theo chương trình đào tạo ban hành, Khoa Điện tử thường xuyên tổ chức các khóa học: Thiết kế mạch điện tử, Lập trình ứng dụng … và các khóa học do doanh nghiệp phối hợp với Khoa tổ chức. Sinh viên tham gia các khóa học này hoàn toàn miễn phí. Từ đó, hàng năm nhiều sinh viên trong khoa tham gia các kỳ thi cấp Trường, cấp Bộ đã đạt thành tích cao.

Chúc em may mắn!

Câu hỏi 14: Em chào Thầy/cô, em được biết Intel - tập đoàn sản xuất vi xử lý và linh kiện điện tử/máy tính lớn nhất thế giới có xây dựng một nhà máy tại Việt Nam, nếu như muốn làm việc tại tập đoàn Intel thì em lựa chọn theo học ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính có đáp ứng yêu cầu công việc tại tập đoàn này không ạ?

Trả lời: 

Chào em!

Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính tại trường Đại học Kinh Tế - Kỹ Thuật Công Nghiệp, sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn về linh kiện điện tử, vi xử lý, vi điều khiển, FPGA, DSP, xử lý tín hiệu, lập trình Assembly, C/C++, C#…các kiến thức về phần cứng, các kỹ năng về thiết kế mạch nguyên lý, thiết kế mạch in, chế tạo, lắp ráp hàn nối và lập trình phần cứng cho các thiết bị FPGA, PLD ASIC… có khả năng đọc dịch tài liệu kỹ thuật liên quan. Vì vậy, nếu nghiêm túc học tập em hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu công việc mà tập đoàn Intel đặt ra.

Chúc em may mắn!

Câu hỏi 15: Học ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính em có thể làm việc tại vị trí kỹ sư phát triển phần mềm nhúng ở các công ty, tập đoàn viễn thông không?

Trả lời:

Chào em!

Ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính đào tạo các kiến thức về vi xử lý, vi điều khiển, FPGA, DSP, xử lý tín hiệu, lập trình Assembly, C/C++, C#…Vì vậy, học ngành này em hoàn toàn có thể đảm nhiệm công việc của kỹ sư phát triển phần mềm nhúng tại tất cả các công ty mà em mong muốn làm việc.

Chúc em may mắn!

Câu hỏi 16: Khi tốt nghiệp ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính em có thể đảm nhận các vị trí Nhân viên lập trình phần cứng tại các công ty Điện tử không?

Trả lời:

Chào em!

Sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính có khả năng đọc dịch tài liệu kỹ thuật, các kỹ năng về thiết kế mạch nguyên lý, thiết kế mạch in, chế tạo, lắp ráp hàn nối và lập trình phần cứng cho các thiết bị FPGA, PLD ASIC. Ngoài ra, sinh viên cũng có các kiến thức lập trình về các ngôn ngữ lập trình phần cứng như Abel, VHDL, Verilog … Các ngôn ngữ lập trình này các em sẽ được tìm hiểu trong quá trình học tập tại trường. Vì vậy, em hoàn toàn có thể đảm nhận vị trí công việc mà em mong muốn.

Chúc em may mắn!

Câu hỏi 17: Em rất thích ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính. Qua tìm hiểu em biết nhiều trường có đào tạo ngành này như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ - ĐHQGHN... Xin Thầy Cô cho em biết ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính của trường mình có đào tạo giống như ĐHBK, ĐHCN-ĐHQG hay không?

Trả lời:

Chào em!

Về nội hàm kiến thức thì trường ĐH KTKT CN, ĐHBK HN hay ĐHCN-ĐHQG đào tạo là như nhau. Tuy nhiên định hướng đào tạo mỗi trường mỗi khác, ĐH BKHN hay ĐHCN-ĐHQG mục tiêu đào tạo ra các nghiên cứu viên, còn Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp (Uneti) không chỉ đào tạo về nghiên cứu mà còn rất chú trọng về tay nghề để các kỹ sư sau khi tốt nghiệp có thể tham gia ngay các công việc trong lĩnh vực điện tử cũng như các lĩnh vực liên quan đến công nghệ, kỹ thuật máy tính.

Chúc em may mắn!

Câu hỏi 18: Bên cạnh ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính em thấy ở một số trường khác còn đào tạo ngành Khoa học Máy tính, thầy/cô có thể cho em biết sự khác nhau giữa hai ngành này không ạ?

Trả lời:

Chào em!

Ngành Khoa học Máy tính là lĩnh vực đào tạo thiên hướng mạnh về phần mềm và giải pháp như hệ thống thông tin, kỹ thuật phần mềm, mạng máy tính và mạng truyền thông. Ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính là ngành kết hợp kiến thức chuyên môn của cả hai lĩnh vực Công nghệ thông tin và Điện tử; ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính nghiên cứu ra những nguyên lý, những phương pháp thiết kế, phát triển hệ thống phần mềm và phát triển các giải pháp về phần cứng.

Chúc em may mắn!

Câu hỏi 19: Hiện nay cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra ở mọi nơi, trong mọi lĩnh vực, vậy để nắm bắt được cơ hội việc làm trong giai đoạn này em nên lựa chọn ngành học nào cho phù hợp ạ?

Trả lời:

Chào em!

Do ảnh hưởng của cuộc cách mạng 4.0, theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến năm 2020 Việt Nam cần 1 triệu nhân lực cho nhóm ngành Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông. Tính đến năm 2018, cả nước còn thiếu khoảng 400.000 nhân lực cho lĩnh vực này. Đặc biệt, trong nhóm ngành Công nghệ thông tin thì ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính được đánh giá là “lõi” gắn liền với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Vì vậy, em nên tìm hiểu kỹ hơn về ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính để có những lựa chọn phù hợp.

Chúc em may mắn!

Câu hỏi 20: Thầy/cô có thể cho em biết khả năng đáp ứng yêu cầu/nhu cầu của ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính với các doanh nghiệp không ạ?

Trả lời:

Chào em!

Công nghệ Kỹ thuật Máy tính được coi là ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thời đại 4.0. Nhu cầu nhân lực chất lượng cao ngành Công nghệ Thông tin – Truyền thông nói chung và ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính nói riêng, trong vòng 20 năm tới, được xác định với quy mô lên tới hàng triệu kỹ sư. Thời gian qua, lĩnh vực này đã thu hút sự quan tâm đầu tư phát triển của các tập đoàn công nghiệp trong nước và quốc tế như: Viettel, VNPT, Mobifone, Samsung, LG, Intel, Microsoft, IBM, Google, Toshiba, Panasonic, Canon…Vì vậy, em hoàn toàn có thể tin tưởng vào cơ hội việc làm của mình nếu lựa chọn theo học ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính.

Chúc em may mắn!

Câu hỏi 21: Em muốn tìm hiểu các công nghệ tiên tiến như AI, IoTs, Big Data … trong công nghiệp 4.0. Vậy em lựa chọn ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính có phù hợp không ạ?

Trả lời:

Chào em!

Lựa chọn ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính để theo học, em sẽ được cung cấp các kiến thức cơ bản và chuyên sâu về Công nghệ thông tin và Điện tử để có thể nắm bắt và nghiên cứu các công nghệ tiên tiến mới như AI (trí tuệ nhân tạo), IoTs (kết nối vạn vật), Big Data (dữ liệu lớn)… các hệ thống nhận biết tự động, như nhận dạng ảnh, nhận dạng tiếng nói …. trên nền tảng các môn học lý thuyết và thực hành từ nhà trường. Vì vậy, đây là lựa chọn hết sức phù hợp.

Chúc em may mắn!

Câu hỏi 22: Tin học và Công nghệ Kỹ thuật Máy tính có lạc hậu khi robot trở nên phổ biến và thay thế được con người không ạ? Em theo học ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính có tương lai phát triển nghề ngiệp của bản thân không ạ?

Trả lời:

Chào em!

Bộ não của một chú robot thông minh là các mạch điện tử nhỏ gọn được lập trình; việc nó thông minh đến mức nào là phụ thuộc vào người lập trình cùng phương pháp lập trình. Các mạch điện tử nhỏ gọn hoạt động theo các chương trình được lập trình này chính là công việc của ngành Tin học và Công nghệ Kỹ thuật Máy tính. Nếu không có con người, ai sẽ tạo ra những chú robot này? Vì vậy, lựa chọn theo học ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính trong tương lai sẽ cho em nhiều cơ hội để phát triển nghệ nghiệp.

Chúc em may mắn!

Câu hỏi 23: Em chào Thầy, Cô. Em muốn làm các công việc liên quan đến thiết kế, chế tạo và lập trình các thiết bị điện tử như: các loại cảm biến, vi xử lý máy tính, hệ thống nhúng… Em lựa chọn học ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính có phù hợp không?

Trả lời:

Chào em!

Ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính đào tạo kiến thức chuyên ngành cốt lõi về kỹ thuật lập trình IC, lập trình các hệ thống dùng vi điều khiển, PLD&ASIC, lập trình mạng, lập trình nhúng và ứng dụng trong giám sát điều khiển thông minh, các hệ thống điện tử bằng máy tính. Đào tạo, trang bị kiến thức về cấu hình hoạt động của các dạng cảm biến, máy tính, mạng máy tính và áp dụng khắc phục các sự cố, nâng cấp máy tính, cải tiến hệ thống.. Những kiến thức và kỹ năng được đào tạo này hoàn toàn đáp ứng công việc em yêu thích.

Chúc em may mắn!

Câu hỏi 24: Sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính em có thể đảm nhận công việc ở những vị trí nào?

Trả lời:

Chào em!

Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ Kỹ thuật Máy tính tại trường có thể đảm nhận những vị trí công việc sau

- Kỹ sư thiết kế, các hệ nhúng mới, viết chương trình nhúng lõi với mục đích điều khiển trong các hệ nhúng như: Điện thoại, tivi, điều hòa, máy giặt, robot tự động…

- Lập trình viên hệ nhúng: Lập trình với các hệ điều hành nhúng trên điện thoại như RTOS, Android, Windows Phone,…

- Kỹ sư lập trình ứng dụng, kiểm chứng phần mềm nhúng cho các tập đoàn viễn thông: Samsung, FPT, Nokia, Vina Phone, Viettel, Mobile Phone,…

- Kỹ sư tham gia thiết kế, lắp đặt và vận hành các hệ thống máy tính trong các đơn vị, hành chính sự nghiệp nhà nước, các công ty, doanh nghiệp có sử dụng công nghệ thông tin

- Kỹ sư quản lý, vận hành hệ thống điều khiển bằng máy tính, các hệ thống dùng vi điều khiển tại các nhà máy xí nghiệp có sử dụng các dây truyền tự động hóa, điều khiển tự động.

- Cán bộ nghiên cứu và giảng dạy ở các Viện nghiên cứu, đào tạo Công nghệ Kỹ thuật máy tính.

- Tiếp tục học cao học và nghiên cứu sinh để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực Công nghệ Kỹ thuật máy tính.

Chúc em may mắn!

Câu hỏi 25: Em nghe nói, ngành Công nghệ Kỹ thuật Máy tính đón xu thế phát triển của nền công nghiệp 5.0, vậy bao giờ nó diễn ra và học ngành này có thể ứng dụng ngay sau khi em ra trường không ạ.

Trả lời:

Chào em!

Như xu thế phát triển của các nền công nghiệp, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ phát triển thành 5.0 khi hầu hết các ứng dụng tích hợp trí tuệ nhân tạo, tạo ra các sản phẩm thông minh.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ năm, hay Công nghiệp 5.0, sẽ tập trung vào sự “hợp tác” giữa con người và máy móc, vì trí thông minh của con người hoạt động hài hòa với “điện toán nhận thức”. Con người có nhiều trách nhiệm hơn và người ta xử lí công việc trong một môi trường rộng lớn hơn nhưng dễ dàng hơn, mà an toàn hơn môi trường trước đó. Các nhà sản xuất trong các xưởng sản xuất bắt đầu tham gia nhiều hơn vào quá trình thiết kế hơn là quá trình sản xuất – nơi có thể được tự động hóa nhiều hơn hoặc ít hơn. Nó cho phép tự do trong không gian thiết kế và sáng tạo… và cho phép các sản phẩm được tạo ra mang tính cá nhân hoá và chuyên biệt hơn.

Xu thế cách mạng công nghiệp 5.0 không phải là 1 thời điểm là là một giai đoạn phát triển, cần rất nhiều nhân lực để xây dựng và phát triển cho giai đoạn này.

Ngành Công nghệ kỹ thuật máy tính chính là ngành xây dựng nhân lực cho giai đoạn đó. Vì vậy sau khi ra trường em sẽ có thể áp dụng ngay kiến thức đã học trong công việc.

Tin mới nhất

Tiện ích

CÁC NGÀNH TUYỂN SINH VÀ ĐÀO TẠO
TÊN NGÀNH THẠC SĨ ĐẠI HỌC CAO ĐẲNG
Công nghệ sợi, dệt 7540202 -
Công nghệ dệt, may 7540204 -
Công nghệ thực phẩm 8540101 7540101 -
Công nghệ thông tin 7480201 -
CNKT điều khiển và TĐH 7510303 -
CNKT điện, điện tử 7510301 -
CNKT điện tử - viễn thông 7510302 -
CNKT cơ khí 7510201 -
Kế toán 7340301 -
Quản trị kinh doanh 7340101 -
Tài chính - Ngân hàng 7340201 -
Kinh doanh thương mại 7340121 -
Mạng máy tính và TTDL 7480102 -
CNKT cơ điện tử 7510203 -
Ngôn ngữ Anh 7220201 -
CNKT Máy tính 7480108 -
QT dịch vụ du lịch và lữ hành 7810103 -
Ngành Công nghệ kỹ thuật Ô tô 7510205 -
Ngành Bảo hiểm 7340204 -
Khoa học dữ liệu 7460108 -