Hỏi:Thầy (Cô) cho em hỏi, chúng em sẽ học và làm được những gì sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử?
Trả lời: Chào em!Cảm ơn về câu hỏi của em, đối với sinh viên theo học ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, sau khi tốt nghiệp, các em sẽ:
- Sử dụng thành thạo các phần mềm kỹ thuật như: Psim, Cadsimu, Matlab Simulink, Auto card, Dialux, … để vẽ, mô phỏng, tính toán, thiết kế và thi công các hệ thống cung cấp điện - điện tử trong dân dụng và công nghiệp.
- Đọc, bóc tách các bản vẽ, vận hành bảo dưỡng và đề xuất phương án sửa chữa cải tiến hệ thống điện - điện tử.
- Lập trình hệ thống điều khiển tự động bằng vi xử lý, vi điều khiển, PLC; Tự động hóa trong sản xuất an toàn và hiệu quả.
- Thực hiện ghép nối các thiết bị công nghiệp như Động cơ, van điều khiển, cảm biến … đến các máy tính thông qua truyền thông số, trên cơ sở đó, thiết kế các giao diện điều khiển, giám sát trên màn hình máy tính ứng dụng cho các dây chuyền sản xuất trong các nhà máy xí nghiệp công nghiệp.
Chúc em tự tin và thành công!
Hỏi: Thầy (Cô) cho em hỏi vị trí công tác sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử?
Trả lời:
Chào em! Cảm ơn về câu hỏi của em.
Đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, các em có thể đảm nhiệm vị trí chuyên trách về công nghệ kỹ thuật điện, điện tử như: thiết kế, triển khai xây dựng, điều hành, bảo trì... trong các lĩnh vực công nghiệp như: tự động hóa xí nghiệp công nghiệp, sản xuất và sửa chữa các thiết bị điện, điện tử. Tham gia xây dựng dự án và phát triển sản xuất; tham gia công tác tổ chức; quản lý, chỉ đạo quá trình sản xuất. Trở thành các cán bộ nghiên cứu; giáo viên giảng dạy về công nghệ kỹ thuật điện tại các viện, các trung tâm nghiên cứu; các trường hoặc cơ sở đào tạo ngành công nghệ kỹ thuật điện, điện tử. Ngoài ra, người học cũng có khả năng tiếp tục học tập, nghiên cứu ở bậc học cao học và nghiên cứu sinh để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực điện, điện tử.
Chúc em tự tin và thành công!
Hỏi: Thầy (Cô) cho em hỏi, em là nữ giới, liệu em có thể theo học ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử được không ạ?
Trả lời:
Chào em! Cảm ơn về câu hỏi của em.
Ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử nói chung không chỉ đơn giản là cầm kìm, cầm bút điện để đấu nối các thiết bị điện hay đi thực hiện đóng cắt các thiết bị điện, các máy công nghiệp. Hiện nay ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử làm việc với sự hỗ trợ của các dây chuyền sản xuất tự động hóa, các phần mềm với sự hỗ trợ của máy tính, … Hơn nữa, các em còn có thể làm việc ở các viện nghiên cứu, các công ty chuyên về thiết kế, lập trình hoặc các vị trí làm việc như quản lý chất lượng sản phẩm … Các vị trí làm việc đó hoàn toàn phù hợp với nữ giới.
Thực tế tại Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp, Ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử có nhiều bạn nữ theo học. Các bạn đó đều tìm được việc làm rất tốt.Chúc em tự tin và thành công!
Hỏi:Thầy (Cô) cho em hỏi sinh viên học ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử sau khi tốt nghiệp có dễ xin được việc làm không?
Trả lời:
Chào em! Cảm ơn về câu hỏi của em.
Hiện nay, đất nước ta đang hòa mình vào guồng quay của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và các công ty, tập đoàn lớn có xu hướng chuyển dịch kinh tế, đầu tư phát triển mạnh vào nước ta như: Canon, Samsung, LG,.... đều đã đưa các dây chuyền thiết bị điện, điện tử hiện đại vào sử dụng. Chính vì vậy, ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử luôn cần nguồn nhân lực có trình độ cao, và ngày càng có chiều hướng gia tăng với nhiều cơ hội việc làm và thu nhập đầy hấp dẫn.
Cho nên, sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử có thể đảm nhận các vị trí như: chuyên viên kỹ thuật hoặc tư vấn thiết kế, vận hành, bảo trì mạng lưới điện tại các công ty điện lực, nhà máy điện, trạm biến áp, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, các khu dân cư, các tòa nhà, cao ốc văn phòng…; nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm, các đơn vị sản xuất công nghiệp tự động hóa và điện tử; làm việc cho Tổng công ty điện lực Việt Nam và các công ty trực thuộc; hoặc có thể tiếp tục học tập, nghiên cứu ở bậc học cao học và nghiên cứu sinh để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và có thể tham gia giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng,...
Chúc em tự tin và thành công!
Hỏi:Thầy (Cô) cho em hỏi, đối với ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, ngoài học tập trên lớp và các hoạt động ngoại khóa, SV chúng em có thể tham gia các hoạt động NCKH, hội thảo không?
Trả lời:
Chào em! Cảm ơn về câu hỏi của em.
Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp nói chung và khoa Điện nói riêng luôn quan tâm chú trọng phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu của sinh viên. Sinh viên theo học ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử luôn được khuyến khích tham gia các hoạt động NCKH và các buổi hội thảo chuyên ngành. Sinh viên sẽ được các thầy cô nhiệt tình hướng dẫn, hỗ trợ trong suốt quá trình học tập, nghiên cứu tại trường. Ngoài ra sinh viên có thể tham gia các câu lạc bộ NCKH, Các cuộc thi tay nghề trong khuôn khổ nhà trường, cấp Bộ Công thương và cấp Quốc gia, các cuộc thi chế tạo robot. Kết quả đạt được trong các cuộc thi tay nghề, cuộc thi chế tạo robot của Khoa Điện trong những năm gần đây: Giải 3 toàn quốc “Cuộc thi sáng tạo Robot Châu Á - Thái Bình Dương (ABU Robocon) 2014”; Giải nhất trong các cuộc thi tay nghề do Bộ Công thương tổ chức: Nghề Tự động hóa - 2015, Nghề Lắp đặt điện - 2018, Giải khuyến khích cuộc thi tay nghề Tự động hóa cấp Quốc gia.
Chúc em tự tin và thành công!
Hỏi: Thầy (Cô) cho em hỏi, ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử có đòi hỏi người học phải có những tố chất hay yêu cầu riêng gì không?
Trả lời:
Chào em! Cảm ơn về câu hỏi của em.
Ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử không yêu cầu tố chất gì đặc biệt cả, chỉ cần các em yêu thích và có niềm đam mê đối với nghề, kiên trì và chịu khó.
Khi các em yêu thích và có niềm đam mê đối với nghề thì cùng với sự hướng dẫn của các Thầy, Cô những kỹ năng khác như: năng động, sáng tạo, khả năng làm chủ kỹ thuật v.v… sẽ được tích lũy trong quá trình học. Bên cạnh đó, với tính kiên trì và chịu khó, các em sẽ luôn tìm tòi, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ cập nhật các công nghệ tiên tiến để không bị tụt hậu so với thế giới, chắc chắn các em sẽ thành công.Chúc em luôn tự tin!
Hỏi:Thầy (Cô) cho em hỏi, cơ sở vật chất phục vụ việc giảng dạy và học của ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử như thế nào ạ?
Trả lời:
Chào em! Cảm ơn về câu hỏi của em.
Ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử là một trong những ngành công nghệ kỹ thuật quan trọng, để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp nói chung và khoa Điện nói riêng luôn đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả giảng dạy và học tập. SV theo học ngành CN Kỹ thuật Điện, điện tử sẽ được tham gia các môn học thực hành: Điện cơ bản, Đo lường - cảm biến, Máy điện, Trang bị điện, Điện tử công suất, Truyền động điện, Điều khiển khí nén - Thủy lực, PLC … để tiếp cận với công việc thực tế sau khi ra trường, lớp học được trang bị máy tính, màn hình chiếu, phòng thực hành máy với hàng trăm máy tính. Các lớp học sẽ được trang bị phương tiện màn hình, Internet, mic, loa... để tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên. Sinh viên sẽ có đủ thời gian tiếp thu tất cả các kiến thức của ngành và chuyên ngành, có đủ giờ tham gia học thực hành ở các phòng thực hành. Ngoài ra, nhà trường còn hỗ trợ cho sinh viên bằng thư viện điện tử trực tuyến để sinh viên có thể tham khảo tài liệu, làm bài tập về nhà, đọc thêm sách nhờ kho dữ liệu cực lớn với nhiều đầu sách hay trong nước và thế giới.
Chúc em tự tin và thành công!
Hỏi:Thầy (Cô) cho em hỏi, trường mình có nhiều cơ sở đào tạo cả Hà Nội và Nam Định, với ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử chúng em sẽ học tại cơ sở nào ạ?
Trả lời:
Chào em! Cảm ơn về câu hỏi của em.
Đối với ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử nói riêng và các ngành học tại Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp nói chung SV đều có thể đăng ký học tại Hà Nội hoặc Nam Định theo đúng nguyện vọng của sinh viên em nhé.
Chúc em tự tin và thành công!
Hỏi: Thầy (Cô) cho em hỏi hiện nay ngành nào có tỉ lệ cao nhất khi sinh viên tốt nghiệp có công việc ngay và lương khởi điểm trên 10 triệu/tháng ạ? Và có lĩnh vực nào của ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử không đòi hỏi trình độ ngoại ngữ trong quá trình học tập và làm việc không ạ? Em cảm ơn!
Trả lời:
Chào em! Cảm ơn về câu hỏi của em.
Để một sinh viên tốt nghiệp Đai học có việc ngay, yếu tố về kiến thức của ngành học không phải là yếu tố quyết định, sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Năng lực, kinh nghiệm chuyên môn đối với công việc.- Vị trí, điều kiện tuyển dụng của các công ty, doanh nghiệp
- Thái độ, đạo đức,...
- Tin học
- Ngoại ngữ
- Kỹ năng: giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm,..
Dựa vào những điều kiện như trên, nhà tuyển dụng sẽ đưa ra mức lương phù hợp. Trong quá trình làm việc, tùy vào năng lực của mỗi người mà các công ty/doanh nghiệp sẽ có chế độ tăng lương khác nhau. Trường hợp làm việc tại cơ quan Nhà nước thì mức lương sẽ theo quy định Nhà nước (tùy vùng mà mức lương cơ bản sẽ khác nhau).Lý thuyết cơ bản sẽ là như trên, điều cốt lõi chủ yếu vẫn là tùy thuộc mỗi người em nhé.
Đối với ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử để học được ngành này, kiến thức môn Tiếng Anh ở cấp 3 của em phải ở mức trung bình khá trở lên. Trong quá trình học, các kiến thức chuyên ngành như lập trình PLC, Tự động hóa quá trình công nghệ, mô hình hóa và mô phỏng, Scada DCS và mạng truyền thông công nghiệp,...cũng sử dụng nhiều tài liệu tiếng Anh. Và sau khi ra trường, ngoại ngữ lại là một lợi thế của SV khi đi xin việc.
Chúc em tự tin và thành công!
Hỏi:Thầy (Cô) cho em hỏi, em rất thích ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử. Xin Thầy (Cô) cho em biết ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử của trường mình có đào tạo giống như Trường ĐHCông nghiệp Hà nội hay không?
Trả lời:
Chào em! Cảm ơn về câu hỏi của em.
Về nội hàm kiến thức thì ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp (Uneti) hay Trường ĐH Công nghiệp Hà nội đào tạo là như nhau. Tuy nhiên định hướng đào tạo mỗi trường mỗi khác, nếu như ĐH CNHN mục tiêu đào tạo ra các mảng công việc chuyên môn, nghiên cứu viên thì tại Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp (Uneti) không chỉ đào tạo về nghiên cứu mà còn rất chú trọng về tay nghề để các kỹ sư sau khi tốt nghiệp có thể ứng dụng, tham gia ngay các công việc trong lĩnh vực Điện, điện tử cũng như Tự động hóa.
Chúc em tự tin và thành công!
Hỏi:Thầy (Cô) cho em hỏi, hiện nay ở quê em có rất nhiều khu công nghiệp với các Công ty thuộc tập đoàn SamSung, Canon, Hồng Hải…với mong muốn sau khi ra trường em có thể về quê dễ dàng xin việc. Vậy em học ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử ở trường mình có thể xin việc ở đây được không?Em cảm ơn!
Trả lời:
Chào em! Cảm ơn về câu hỏi của em.
Tập đoàn SamSung, Canon, Hồng Hải… là các tập đoàn lớn về sản xuất và lắp ráp các thiết bị điện tử với các dây chuyền sản xuất tự động hóa hiện đại. Các tập đoàn này đều phối hợp với Nhà trường trong lĩnh vực đào tạo và tuyển dụng. Nhiều sinh viên Nhà trường sau khi tốt nghiệp đang làm việc ở đây với vị trí cao và có mức thu nhập tốt. Đặc biệt sinh viên các ngành CN kỹ thuật điện, điện tử, Cơ khí, Tự động hóa, điện tử truyền thông và công nghệ thông tin….Việc lựa chọn học ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử tại Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp là hoàn toàn phù hợp trong các mảng công việc tại các tập đoàn này em nhé.
Chúc em tự tin và thành công!
Hỏi:Thầy (Cô) cho em hỏi, khi đọc trang tuyển sinh của trường, em thấy có hai ngành liên quan đến lĩnh vực Điện tử là Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông. Nhờ Thầy (Cô) cho em biết sự khác nhau giữa hai ngành này ạ? Em xin cảm ơn!
Trả lời:
Chào em! Cảm ơn về câu hỏi của em.
Ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử trực thuộc Khoa Điện, đây là ngành có định hướng đào tạo nghiên cứu và ứng dụng về thiết kế và thi công các hệ thống cung cấp điện - điện tử trong dân dụng và công nghiệp;lập trình hệ thống điều khiển tự động bằng vi xử lý, vi điều khiển, PLC; điều khiển, giám sát trên màn hình máy tính ứng dụng cho các dây chuyền sản xuất trong các nhà máy xí nghiệp công nghiệp; vận hành bảo dưỡng và đề xuất phương án sửa chữa cải tiến hệ thống điện - điện tử. Còn ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông trực thuộc khoa Điện tử, ngành này có định hướng cho sinh viên học tập và nghiên cứu về các lĩnh vực: các thiết bị Điện tử, Viễn thông; lĩnh vực định vị dẫn đường; lĩnh vực điện tử y sinh; lĩnh vực nhận dạng và tự động điều khiển
Dựa vào sự khác biệt đó, chúc em sẽ có được định hướng lựa chọn ngành mà em mong muốn!
PGS.TS Võ Thu Hà - Trưởng Khoa Điện
Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp