Thứ hai , 11-03-2024

Các câu hỏi liên quan đến ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí

Câu hỏi 1: Thầy (Cô) cho em hỏi học ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí là gì?

Trả lời:

Chào em, cảm ơn câu hỏi của em!

Ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí (Manufacturing Engineering) luôn được coi là trái tim của quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa và đang có tốc độ phát triển nhanh chóng. Khi nhắc tới công việc của ngành cơ khí thì thường có liên tưởng ngay tới sắt thép, liên quan tới các công việc như : thiết kế, lên bản vẽ, lắp đặt hoặc gia công máy móc, vận hành các quy trình chế tạo ra các sản phẩm (cơ khí), tiện, phay, bào, hàn…Có thể coi cơ khí là ngành ứng dụng các nguyên lý vật lý để tạo ra các loại máy móc, thiết bị hoặc vật dụng hữu ích. Như vậy cơ khí chính là một ngành chủ yếu tạo ra tư liệu lao động của con người trong thế giới hiện đại.

 

Nếu em có ước mơ được thiết kế, chế tạo, điều khiển và vận hành một hệ thống cơ khí linh hoạt, chính xác (ví dụ như Robot, dây truyền sản xuất thực phẩm….) thì chúc mừng, em đã chọn đúng ngành rồi đó.

 

Câu hỏi 2: Em và gia đình em băn khoăn rằng không biết là sau khi học ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí thì ra trường em có thể làm những công việc gì?

 

Trả lời:

 

Chào em, cảm ơn câu hỏi của em!

 

Các kỹ sư cơ khí sẽ làm việc ở phòng thiết kế, kỹ thuật, dự án ở những viện nghiên cứu, nhà máy, công ty cơ khí, công trình hoặc kỹ sư cơ khí sẽ đảm nhận việc sản xuất, lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng các sản phẩm cơ khí, máy và dây chuyền thiết bị công nghiệp.

 

Công việc của Kỹ sư công nghệ chế tạo máy bao gồm:

 

- Thiết kế, lên bản vẽ các loại máy móc, thiết bị cơ khí cho sản xuất như máy thu hoạch trong nông nghiệp, dây chuyền sản xuất đồ uống, thực phẩm, dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất dược phẩm, máy móc đóng gói, đóng chai, đóng hộp...

 

- Tham gia thiết kế các sản phẩm cơ khí và giám sát quá trình sản xuất các thiết bị đó. Công việc này đòi hỏi phải có kiến thức, kinh nghiệm về gia công chế tạo máy và các phẩn mềm đồ họa chuyên ngành.

- Thi công, lắp đặt và giám sát việc thi công máy móc, cầu trục, thiết bị, dây chuyền sản xuất cho các công trình, nhà máy nhiệt điện, thủy điện, xi măng, đóng tàu...

- Tham gia gia công sản phẩm cơ khí như phay, tiện, hàn, bào, khoan, gia công trên các máy vạn năng CNC tại các xưởng, xí nghiệp hay công ty cơ khí.

- Vận hành, kiểm tra, lập kế hoạch và thực hiện việc vận hành, bảo trì, bảo dường định kỳ, xử lý sự cố các hệ thống máy móc của nhà máy, xí nghiệp, công ty.

- Tổ chức quản lý sản xuất, giám sát tiến độ, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Câu hỏi 3: Thầy, Cô cho em hỏi học ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí có dễ xin việc không? Thu nhập sau khi tốt nghiệp ngành này có cao không?

Trả lời:

Chào em, cảm ơn câu hỏi của em!

Nước ta đang nỗ lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa để hội nhập với nền kinh tế thế giới sau khi gia nhập WTO. Do đó, nhu cầu về thương mại, quản lý, khai thác vận hành máy móc, thiết bị công nghiệp, công nghệ cao là rất lớn khiến cơ hội làm việc trong ngành cơ khí càng trở nên rộng mở hơn bao giờ hết.

Hiện nay các khu công nghiệp chế xuất trên địa bàn các tỉnh phía Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh lân cận luôn luôn đặt trong tình trạng thiếu hụt đội ngũ kỹ sư lành nghề về các ngành chế tạo máy, tiện, phay… dù đăng tuyển khá nhiều với những mức đãi ngộ hấp dẫn. Còn tại thị trường lao động các tỉnh phía Bắc, các công ty cơ khí ở các các khu công nghiệp ở Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên cũng có nhu cầu tuyển dụng ngành nghề này khá lớn. Trên các trang web tuyển dụng như Việc làm 24h, Tìm việc nhanh hay Careerlink…thì cơ khí là một trong những ngành mà các doanh nghiệp có nhu cầu lớn nhất.

Đặc biệt, trong khi nguồn nhân lực cơ khí trong nước đang thiếu trầm trọng thì học viên ngành này lại thích đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài thay vì làm việc cho các công ty cơ khí trong nước. Nhiều công ty tuyển thợ cơ khí chế tạo máy, kĩ sư cơ khí tại Hàn Quốc với mức lương hấp dẫn 30 triệu đồng/tháng, làm việc tại Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản với nhiều chế độ ưu đãi nên rất thu hút các lao động Việt Nam

Theo số liệu thống kê sinh viên sau khi ra trường được 1 năm tỷ lệ có việc làm đạt 98% và mức thu nhập trung bình đạt từ 8-10 triệu/tháng trở lên. Mức độ tăng lương sẽ tăng dần tuỳ theo năng lực, tính chất công việc và sự thăng tiến của mỗi cá nhân.

Câu hỏi 4: Cho em hỏi ngành Công nghệ Kỹ thuật cơ khi xét tuyển những tổ hợp môn nào?

Trả lời:

Chào em!

Ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí của trường có hai phương thức tuyển sinh là xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia và dựa vào kết quả học bạ THPT. Các tổ hợp môn xét tuyển gồm: A00, A01, D01, C01.

Chúc em may mắn!

Câu hỏi 5: Các Thầy (cô) cho em hỏi chỉ tiêu tuyển sinh và mức điểm trúng tuyển ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí các năm học trước là bao nhiêu ạ?

Trả lời:

Chào em!

Chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của ngành Cơ khí khoảng 150 SV

Mức điểm trúng tuyển những năm gần đây của ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí khoảng 15 - 17 điểm.

Chúc em may mắn!

Câu hỏi 6: Thầy (Cô) cho em hỏi, trường mình có cơ sở đào tạo tại  Hà Nội và Nam Định, với ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí, chúng em sẽ học tại cơ sở nào?

Trả lời:

Chào em!

Các ngành học tại Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, sinh viên đều có thể đăng ký học tại cơ sở Hà Nội hoặc Nam Định theo đúng nguyện vọng và nhu cầu cá nhân. Khi các bạn học tập thì chương trình đào tạo, chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, chất lượng giảng viên là như nhau. Nhà trường cũng đang có nhiều chính sách tốt để hỗ trợ cho SV đăng ký học ở cơ sở Nam Định.

Câu hỏi 7: Em có nghe các anh chị bảo rằng học ngành kỹ thuật sẽ phải giỏi cả lý thuyết cả thực hành, vậy ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí của trường mình sẽ đào tạo chú trọng vào lý thuyết hay thực hành ạ?

Trả lời:

c trường tuyển sinh ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí hiện nay ở Miền Bắc như: Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học Giao thông vận tải, … hiện đang đào tạo theo định hướng hàn lâm. Có rất nhiều trường em có thể lựa chọn, tuy nhiên, nếu muốn theo đuổi định hướng ứng dụng (quản lý, khai thác, vận hành và giám sát các hệ thống, dây chuyền, thiết bị sản xuất, công nghệ tiên tiến…) thì học tại khoa Cơ khí, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp là một cơ sở đào tạo rất tốt để em cân nhắc và lựa chọn. Ngoài ra, điểm đầu vào ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí của Trường hàng năm dao động trong khoảng 15-19 điểm (em có thể tra và theo dõi điểm chuẩn hàng năm của ngành trên trang tuyển sinh của trường tại: www.tuyensinh.uneti.edu.vn) là rất phù hợp; có nhiều cơ hội trúng tuyển cho các em; và đặc biệt ngành Cơ khí của trường có hệ thống phòng thực hành, thí nghiệm với nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại để em có thể vừa học, vừa thực hành để sau khi ra trường em có thể hoàn toàn làm chủ các dây chuyền, máy móc và công nghệ cao.

Câu hỏi 8: Em là nữ tuy nhiên rất đam mê ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí. Thầy (Cô) cho em hỏi là nếu là con gái thì có nên học lĩnh vực này không ạ.

Trả lời:

Chào em!

Các em n học ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí, khi ra trường rất dễ xin việc, vì các em rất thông minh lại chăm chỉ. Việc là nữ không hề ảnh hưởng tới việc chọn ngành học của em, có thể nó còn là thế mạnh của em vì ngoài học cơ khí truyền thống, các em còn được học và sử dụng các phần mềm thiết kế, lập trình gia công và vận hành các thiết bị gia công tự động (CNC), các dây chuyền sản xuất linh hoạt (FMS và CIM) hay Robot nhờ sự trợ giúp của máy tính. Việc thiết kế các sản phẩm trên cũng có thể được tính toán, minh họa và mô phỏng trên các phần mềm máy tính nên hoàn toàn phù hợp với mọi giới tính, lứa tuổi.

Trong những năm gần đây, số lượng sinh viên nữ theo học ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí có xu hướng tăng, số lượng đề tài nghiên cứu khoa học và công trình nghiên cứu khoa học, phát minh do các bạn sinh viên nữ thực hiện có ý nghĩa và hàm lượng khoa học không kém gì các bạn nam.  

 

Chúc em lựa chọn được ngành học mình yêu thích và theo đuổi được đam mê!

 

Câu hỏi 9: Hiện tại Khoa Cơ khí có liên kết với doanh nghiệp nào để sinh viên học ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí sau khi tốt nghiệp có thể vào thực tập hoặc làm việc ở đó?

 

Trả lời:

 

Chào em! Để đảm nhận tốt công việc của một kỹ sư cơ khí, việc tạo điều kiện cho sinh viên thực hành, thực tập ở các cơ sở sản xuất thực tế là một trong những yếu tố được các trường đại học đào tạo ngành kỹ thuật cơ khí uy tín đặc biệt chú trọng, đặc biệt ở trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, Khoa Cơ khí của Trường đã có các chương trình kết nối, hợp tác đào tạo thực hành, thực tập với khoảng 40-50 doanh nghiệp; hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ với hơn 10 doanh nghiệp có quy mô ở khu vực miền Bắc. Ngoài ra, thông qua việc phối hợp cùng các doanh nghiệp tổ chức các hội thảo chuyên đề, thực tập doanh nghiệp và ký kết thỏa thuận hợp tác tuyển dụng với đa dạng các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước, sau khi tốt nghiệp, các sinh viên khoa cơ khí của Trường đã và sẽ có thể làm việc ở các đơn vị sau:

 

* Làm việc trong các công ty hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, gia công chế tạo các sản phẩm cơ khí:

 

- Công ty: Công ty TNHH SamSung ELECTRONICS Việt Nam, Công ty Honda Việt Nam, Công ty Toyota Việt Nam, Công ty LG Electronics VN, Công ty Canon VN, Công ty LG Displays VN, Công ty Bridgestone VN, Tổng Công ty lắp máy Việt Nam, Công ty Cổ phần Công Nghiệp phụ trợ ICHI Việt Nam, Công ty cổ phần ốc vít Brother Việt Nam, Công ty CP Kỹ thuật Công nghiệp Đại Dương,

 

- Vị trí công việc: Lập trình gia công cho máy CNC phục vụ sản xuất; Thực hiện gia công chi tiết và chế tạo các máy móc, thiết bị, hệ thống công nghiệp; Kiểm tra bảo dưỡng máy móc thiết bị cơ khí tại các nhà máy sản xuất; Phân tích, bóc tách bản vẽ và thiết kế các sản phẩm cơ khí đặc biệt là thiết kế 3D khuôn mẫu; Lập quy trình công nghệ chế tạo các sản phẩm cơ khí; Giám sát quá trình sản xuất, làm báo cáo tiến độ cho khách hàng; Hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật cho khách hàng khi có vấn đề kỹ thuật, …

 

* Làm việc cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, hóa chất, dầu khí, phân bón, xi măng, nhiệt điện, thủy điện:

 

- Công ty: Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn, Công ty Xi măng Nghi Sơn, Công ty Bánh kẹo Hải Hà, Công ty cổ phần Bánh kẹo Hải Châu, Công ty Cổ phần Thực phẩm Hữu Nghị, Nhà máy nhiệt điện Uông bí, Công ty cổ phần Phân lân Nung chảy Văn Điển, …

 

- Vị trí công việc: Kiểm tra bảo dưỡng máy móc thiết bị cơ khí tại các phân xưởng sản xuất; Giám sát vận hành tại các nhà máy xi măng; Giám sát vận hành tại các nhà máy thủy điện, nhiệt điện; Lắp đặt các thiết bị máy móc cơ khí cho nhà máy thủy điện, nhiệt điện, xi măng, đóng tàu; Nhân sự hành chính, quản lý trong lĩnh vực cơ khí; Tổ chức quản lý thi công kết cấu, thiết bị, đường ống, giàn giáo, ...

 

* Làm việc cho các công ty chuyên cung cấp các chủng loại máy móc, thiết bị đo lường trong ngành Cơ khí và các giải pháp công nghệ CAD/CAM

 

- Công ty: Công Ty TNHH Công Nghệ CAD/CAM Việt Nam, Công ty Cổ phần Tổ hợp Chuyển giao Công nghệ, Công ty TNHH Tiến Đại Phát, Công Ty TNHH MITUTOYO Việt Nam…

 

- Vị trí công việc: Tư vấn kỹ thuật trong lĩnh vực cơ khí; Tư vấn chuyển giao công nghệ; kỹ sư bán hàng các sản phẩm kỹ thuật (Sale Engineer); Kỹ sư hoạch định dự án đầu tư về kỹ thuật cơ khí; Nhân sự hành chính, quản lý trong lĩnh vực cơ khí; Lắp đặt các thiết bị máy móc cơ khí cho các nhà máy, công trình, trường học...

 

* Làm việc trong các viện nghiên cứu, giảng dạy trong các Trường Đại học, Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp có đào tạo ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí

 

- Các trường Đại hoc, viện nghiên cứu: Khoa Cơ khí - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp, Khoa Cơ điện – Trường Đại học Hải Phòng, Khoa Cơ điện – Học viện nông nghiệp Việt Nam, Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, Viện nghiên cứu Cơ khí ...

 

- Vị trí công việc: Giảng viên giảng dạy các học phần cơ sở ngành và chuyên sâu thuộc ngành Công nghệ kỹ thuật Cơ khí như học phần cơ lý thuyết, học phần sức bền vật liệu, học phần công nghệ CAD/CAM/CNC, học phần đồ gá, ...

 

* Tham gia vào thị trường lao động nước ngoài có trình độ cao và thành lập start-up của riêng mình

 

-  Tham gia vào thị trường lao động nước ngoài có trình độ cao cũng là một định hướng tốt. Hiện tại, nhu cầu tuyển dụng kỹ sư cơ khí làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan… không được đáp ứng đủ. Với mức thu nhập cao (35-50 triệu khởi điểm), đây cũng là một lựa chọn tương đối tốt với nhiều bạn sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật Cơ khí. Ngoài ra, kỹ sư cơ khí luôn là một bộ phận sáng tạo, khởi nghiệp. Các kỹ sư Cơ khí hoàn toàn có thể xây dựng một start-up thành công và làm chủ công ty, doanh nghiệp của riêng mình trong tương lai.

 

Câu hỏi 10: Thầy (Cô) cho em hỏi để học ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí cần có những tố chất gì?

 

Trả lời:

 

Chào em! Cảm ơn về câu hỏi của em.

 

Để theo đuổi và thành công với ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí, em không cần có tố chất gì đặc biệt, chỉ cần kiên nhẫn, chăm chỉ rèn luyện dưới sự hướng dẫn của các Thầy, Cô trong khoa Cơ khí, các em sẽ có được những tố chất để làm việc sau:

 

1/ Siêng năng, kiên nhẫn, chịu khó tìm tòi: Làm việc trong lĩnh vực cơ khí, bạn thường xuyên phải mày mò với máy móc, thiết bị, lặp đi lặp lại những quy trình công nghệ. Chính vì vậy, người làm Kỹ thuật cơ khí rất cần sự nhẫn nại, kiên trì, chịu khó. Nếu không có sự kiên trì và nhẫn nại, bạn sẽ dễ dàng bỏ cuộc trước những vấn đề cần sự tỉ mỉ. Ngoài ra, sẽ là lợi thế nếu bạn thông minh, năng động và cẩn thận, tỉ mỉ, yêu thích sự chuẩn xác.

 

2/ Có tư duy logic, đam mê kỹ thuật, nhất là lĩnh vực Cơ khí, điện, điện tử và tự động hóa: Bất cứ ngành nào thuộc lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ cũng đòi hỏi cao về tư duy logic và sự đam mê về kỹ thuật, công nghệ. Riêng đối với ngành Công nghệ Kỹ thuật Cơ khí, được xem là một bước phát triển cao của kỹ thuật thì những yêu cầu này lại càng gần như là bắt buộc.

 

3/ Thích nghiên cứu, sáng tạo, chủ động trong công việc: Công nghệ thay đổi và phát triển liên tục, những kỹ thuật tiên tiến hôm nay có thể vài ngày sau đã trở thành lỗi thời. Do đó, ngành Công nghệ Kỹ thuật Cơ khí cần bạn phải liên tục nghiên cứu, chủ động trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ để không bị tụt hậu so với thế giới.

 

Câu hỏi 11: Em chào Thầy, Cô. Em đọc trên mạng thấy có rất nhiều sinh viên đã đạt các thành tích cao trong nghiên cứu khoa học với những đề tài rất hay. Em muốn hỏi nếu em trúng tuyển vào ngành Cơ khí của trường thì có cơ hội để tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên không? Muốn tham gia em cần phải đạt những tiêu chí nào?

 

Trả lời:

 

Chào em! Nghiên cứu khoa học là hoạt động thường niên và luôn được khuyến khích của Khoa Cơ khí, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp. NCKH giúp các em sinh viên bổ sung và vận dụng những kiến thức đã học áp dụng vào các sản phẩm thực tế. Ngoài ra, NCKH còn giúp sinh viên rèn luyện những kỹ năng mềm quan trọng như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tư duy độc lập, kỹ năng thuyết trình…

 

Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên ngành Cơ khí có thể được thực hiện bằng rất nhiều hình thức khác nhau như đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học hàng năm của nhà Trường, hoàn thành các bài tập lớn, báo cáo thực tập, làm khóa luận tốt nghiệp….

 

Người muốn làm nghiên cứu khoa học phải có những kiến thức nhất định về lĩnh vực nghiên cứu nhưng quan trọng nhất là sự đam mê học hỏi, tìm tòi, kiên trì theo đuổi hướng nghiên cứu đã lựa chọn. Chính vì thế, khi đã yêu thích và đam mê nghiên cứu khoa học, nếu trúng tuyển vào ngành Cơ khí, em hoàn toàn có thể tự tin tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên. Sau đây là một số hình ảnh Sinh viên của khoa Cơ khí đã làm nghiên cứu khoa học:

Để tham gia NCKH sinh viên, em chỉ cần đăng ký và trúng tuyển vào khoa Cơ khí. Trong quá trình học, em sẽ được các Thầy, Cô và các anh chị khóa trước hướng dẫn để tham gia NCKH cùng nhóm câu lạc bộ mà em lựa chọn.

Chúc em thành công!

Câu hỏi 12: Ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí của Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp có liên kết đào tạo với các công ty không ạ? Trong quá trình học có thường xuyên được đi thực tập và chú trọng thực hành không?

Trả lời

Chào em! Với định hướng đào tạo kỹ thuật ứng dụng, Khoa Cơ khí đã triển khai nhiều chương trình liên kết đào tạo với công ty, doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn. Đến thời điểm hiện tại, Khoa Cơ khí của Trường đã có các chương trình kết nối, hợp tác đào tạo thực hành, thực tập với khoảng 40-50 doanh nghiệp; hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ với hơn 10 doanh nghiệp có quy mô ở khu vực Miền Bắc. Hàng năm, Khoa Cơ khí cũng đã tổ chức cho sinh viên tham gia các khóa học tập, thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp. Đặc biệt, hàng năm các sinh viên có năng lực học tập tốt, có nguyện vọng nhà Trường sẽ cho sinh viên tham gia hình thức học tập liên kết giữa nhà Trường và doanh nghiệp như Cơ khí Đại Dương, Ichi, Brother, MMT…. Các sinh viên tham gia khóa học này sẽ có 1 năm vừa học tập vừa thực hành tại doanh nghiệp và được trả lương. Sau khi ra trường, sinh viên có thể ở lại làm việc tại doanh nghiệp.

Câu hỏi 13: Thầy (Cô) cho em hỏi, ngoài thời gian học tập, chúng em có thể tham gia các hoạt động ngoại khóa không ạ?

 

Trả lời:

 

Chào em! Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp nói chung và Khoa Cơ khí nói riêng có rất nhiều các hoạt động ngoại khóa của SV như: Câu lạc bộ Robot và nghiên cứu sáng tạo Cơ khí, CLB Tiếng Anh, CLB tình nguyện, CLB Văn nghệ cùng rất nhiều các hoạt động khác như các cuộc thi đấu thể thao (đá bóng, cầu lông …), thời trang, Miss Uneti… Em có thể đăng ký tham gia các CLB và các hoạt động phù hợp.

Các câu lạc bộ, các chương trình ngoại khóa và các hoạt động giải trí đều có sự tham gia và ủng hộ hết sức nhiệt tình từ phía các bạn sinh viên và Đoàn thanh niên của nhà trường.

 

Chúc em thành công!

 

Câu hỏi 15: Học ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí ra trường em có thể làm ở công ty Samsung được không?

 

Trả lời:

 

Chào em! Sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí em hoàn toàn có thể làm việc tại tất cả các tập đoàn sản xuất, thiết kế, lắp ráp thiết bị cơ khí kể cả trong các công ty về sản xuất về thiết bị điện, điện tử, điện lạnh, … trong đó có cả Samsung; bởi vì trong công ty này có các bộ phận sản xuất khác ngoài sản xuất, lắp ráp linh kiện như thiết kế chế tạo khung sườn, đồ gá, vỏ đều cần đến ngành kỹ thuật cơ khí.

 

Chúc em may mắn!

 

 

 

Tin mới nhất

Tiện ích

CÁC NGÀNH TUYỂN SINH VÀ ĐÀO TẠO
TÊN NGÀNH THẠC SĨ ĐẠI HỌC CAO ĐẲNG
Công nghệ sợi, dệt 7540202 -
Công nghệ dệt, may 7540204 -
Công nghệ thực phẩm 8540101 7540101 -
Công nghệ thông tin 7480201 -
CNKT điều khiển và TĐH 7510303 -
CNKT điện, điện tử 7510301 -
CNKT điện tử - viễn thông 7510302 -
CNKT cơ khí 7510201 -
Kế toán 7340301 -
Quản trị kinh doanh 7340101 -
Tài chính - Ngân hàng 7340201 -
Kinh doanh thương mại 7340121 -
Mạng máy tính và TTDL 7480102 -
CNKT cơ điện tử 7510203 -
Ngôn ngữ Anh 7220201 -
CNKT Máy tính 7480108 -
QT dịch vụ du lịch và lữ hành 7810103 -
Ngành Công nghệ kỹ thuật Ô tô 7510205 -
Ngành Bảo hiểm 7340204 -
Khoa học dữ liệu 7460108 -